
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một đại danh y - nhà văn hóa xuất sắc của dân tộc. Ông đã để lại cho hậu thế một khối di sản văn hóa đồ sộ, có giá trị sâu sắc, bền vững về nhiều mặt, về cơ bản được tập hợp trong bộ “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” (gồm 28 tập, 66 quyển) - bộ sách được coi là “Bách khoa thư” y học vĩ đại nhất của Việt Nam thời trung đại.

Trong tác phẩm đồ sộ này, ông đã đúc kết tinh hoa y học cổ truyền Phương Ðông và y học cổ truyền Việt Nam, thông qua những kinh nghiệm thực tiễn phong phú của bản thân, xây dựng thành hệ thống toàn bộ Lý, Pháp, Phương, Dược của nền y học nước nhà.

Ông đã thu thập tổng hợp 2.854 phương thuốc kinh nghiệm hay của các bậc tiền bối lưu truyền trong dân gian và phát hiện bổ sung hơn 350 vị thuốc Nam. Ông cho rằng, muốn làm thầy thuốc giỏi phải học tập không ngừng. Ông tiếp thu kinh nghiệm của người xưa một cách có chọn lọc, linh hoạt, sáng tạo, không hề dập khuôn máy móc. Từ đó, ông có quan điểm về nhận định bệnh tật và phương pháp điều trị sáng tạo phù hợp với đặc điểm phong thổ, khí hậu và đặc điểm của con người Việt Nam.

Ông là một trong bảy danh nhân văn hóa thế giới của Việt Nam được UNESCO vinh danh, cùng với Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chu Văn An, Hồ Xuân Hương và Nguyễn Đình Chiểu . Năm 2024 đánh dấu dấu tròn 300 năm sinh của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông. Nhân dịp này, việc UNESCO vinh danh ông là một sự ghi nhận lớn lao đối với những công lao và cống hiến cấp bậc của ông cho nền y học, văn học và văn hóa của dân tộc Việt Nam cũng như thế giới.

Chính vì vậy, Khoa Y học cổ truyền tổ chức buổi sinh hoạt khoa học về chủ đề "MỘT SỐ BÀI THUỐC KINH NGHIỆM ĐẶC SẮC CỦA HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG" do ThS .BSNT. Dương Thế Ngọc báo cáo. Trong buổi sinh hoạt khoa học, các Thầy Cô đã cùng nhau trao đổi kiến thức, kinh nghiệm về những lập luận độc đáo về đặc điểm bệnh ngoại cảm ở nước ta, phương pháp điều trị kèm theo cũng như so sánh với các kinh phương, các tác giả khác như Trương Trọng Cảnh, Trương Tử Hòa nhằm mục đích có cái nhìn toàn diện hơn về lí luận y học cổ truyền và từ đó nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.